Pages

"Ao Sau Vườn" vốn là một trang Web đã từng góp mặt trên mạng từ năm 1998 nhằm phổ biến những sáng tác của cá nhân tôi để cùng chia xẻ với mọi người, nhưng nay đã đóng lại vì khả năng kỹ thuật cũng như sức khoẻ không còn cho phép tôi duy trì trang Web này như cũ. Tuy nhiên, để đáp lại chút duyên tri ngộ cũng như cảm tình mà nhiều bạn bè và độc giả đã dành cho trang Web trên bấy lâu nên tôi dùng trang blog này làm nơi lưu trữ các sáng tác trên hầu giúp qúy bạn bè và độc giả có thể ghé vào đọc khi muốn tìm lại chút kỷ niệm nào đó đối với "Ao Sau Vườn".

Tuesday, May 7, 2013

Đóng Góp Thêm về Tiếng Cùi

Tạp Ghi 
Khoảng cuối năm 1995, sau khi tạp ghi của Thầy Huỳnh Bửu Sơn xuất hiện trên Ða Hiệu số 40, tôi có viết một bài ngắn (*), góp thêm về gốc tích của danh từ "CÙI" . Có lẽ vì sự tế nhị nào đó, bài không thấy đăng trên số kế tiếp. Nhân diễn đàn VBVN phổ biến lại bài của Thầy Sơn, tôi cố gắng nhớ, ghi ra đây trường hợp tương tợ như ý của bài tôi gởi Ða Hiệu hơn 7 năm về trước. 

Ðúng như Thầy Sơn viết, Thầy Trần Ngọc Huyến lúc Khóa 16 thụ huấn tại trường, là Chỉ Huy Trưởng kiêm Văn Hoá Vụ Trưởng. Vị Văn Hoá Vụ Trưởng sáng kiến thiết lập và đích thân giảng dạy môn "Lãnh Ðạo Chỉ Huy" (chứ không phải ..."Huấn Luyện Tinh Thần") đặc biệt cho Khóa 16, một môn học mới có hệ số khá cao so với các môn "văn hoá" khác. 

Chúng tôi rất thích thú vì đây là môn học mới. Giáo Sư không "dạy" lý thuyết từ chương, chỉ cần đưa một số đề tài, chỉ dẫn một vài nguyên tắc căn bản, gợi ý để SVSQ thảo luận và giúp tổng hợp ý khả dĩ áp dụng vào hoàn cảnh thực tế ngoài các đơn vị sau khi rời trường. 

Có thể viết ra đây mà không sợ lầm lẫn, chính nhờ môn học nầy bổ túc cho các môn chuyên môn khác về văn hoá lẫn quân sự và quyết tâm giảng dạy của Thầy Huyến, đã tạo cho khóa 16 được đa số các đơn vị trưởng, và chiến hữu ghi nhận sự "nhạy bén" về lối "chỉ huy" và "tham mưu" của sĩ quan khóa nầy ngoài đơn vị. 

Các giờ giảng dạy của môn "Lãnh Ðạo Chỉ Huy" cho Khóa 16 khởi sự ngay từ Mùa Văn Hoá năm thứ nhất; thường tại nhà "ma hê" nơi Trường cũ . Ngoài các giờ giảng dạy, Thầy Huyến thỉnh thoảng mời một số nhân vật chính trị tại địa phương cũng như trung ương đến thuyết trình về một số đề tài liên hệ. 

Năm ấy, khoảng cuối 1960, trước khi kết thúc Mùa Văn Hoá, Thầy Huyến mời Vị Nữ dân biểu Quốc Hội đệ nhất Cộng Hoà đến thuyết trình về hiện tình đất nước. Tất cả Khóa 16 tham dự, cũng tại nhà "ma-hê", được nghe Thầy giới thiệu sơ lược về thuyết trình viên và kế tiếp, phần trình bày của Bà khá hấp dẫn, thu hút người nghe. 

Ðến phần đặt câu hỏi thì hội trường sôi động hẳn . Một số câu hỏi được nêu lên. Cũng có lúc, diễn giả trả lời có phần lúng túng. Chính vì thế, từ cái khung "hỏi đáp", một cuộc "thảo luận" giữa thuyết trình viên và khóa 16 diễn ra trước sự chứng kiến của Thầy Huyến. Trên bàn chủ tọa, có lúc Thầy gật đầu, cười thoải mái; đoán chừng Thầy có vẻ bằng lòng "tuị nó" lắm! Ðôi lần, Thầy cũng góp ý như để "cứu bồ" cho diễn giả. Tài hùng biện và lối lý luận của Thầy cuốn hút sự chú ý của khóa sinh tham dự như mọi lần trong lớp học. 

Sau khi tiễn vi dân cử ra về, Thầy Huyến trở lại bàn chủ toạ, không nói nhưng gật đầu lia liạ, rồi cười lớn. Chúng tôi ngồi bên dưới chứng kiến độ chừng một phút, Thầy bắt đầu nhẹ giọng, "mắng yêu"... "Hôm nay, sao các CÙI làm khó dễ khách của tôi quá!". Nói xong Thầy lại, vừa gật đầu, nghiêng chiếc ghế ra phía sau, ngửng mắt lên cao, vừa cười lớn một cách thoải mái. 

Khóa 16 cảm thấy mình được khen, và được gọi bằng danh từ ngồ ngộ là "CÙI", tất cả đứng dậy, reo hò vang dội; dù lúc đó, chưa hiểu chữ "CÙI" nghĩa là gì. Trên kia, Thầy Huyến vui lắm; thầy để mặc, ngồi nhìn chúng tôi hét, hò. 

Giờ học chấm dứt, chúng tôi rời nhà "ma-hê", mang theo tiếng "CÙI" cuả Thầy về. Thế rồi, danh từ nầy được khóa 16 áp dụng ngay ở hành lang, trong phòng vệ sinh, phòng ngủ, phòng ăn, chí đến ngoài ngõ, trên đường đi bỏ "đồ giặt" buổi chiều, đến tận ngoài phố Dalạt lúc cuối tuần. "CÙI" được khóa 16 gọi nhau đến nỗi lan đến khóa 15 sắp mãn khóa và các khóa kế tiếp sau, khi nhập trường. Và, sau đó, nó trở thành danh từ "truyền thống". 

@

Viết lại sự kiện nầy, tôi không có ý phản bác những gì Thầy Sơn viết đăng trên Ða Hiệu số 40 trên 7 năm về trước; chỉ mong đóng góp thêm dữ kiện về một trong một số danh từ "truyền thống" của Trường từ một trong những học trò tuổi đôi mươi lúc đó, nay đã là "senior citizen" của đất nước tạm dung nầy . Cũng cần ghi thêm, mười năm trước bài của Thầy Sơn, tức năm 1985, khi phụ trách newsletter "KHOÁ16" của khóa 16 trên số chủ đề "Viết cho Thầy", tôi đã viết về Quý Thầy đã dạy khóa 16 về văn hóa lẫn quân sự và một số kỷ niệm. Nếu Thầy Hiền .."Ớt lớn ớt nhỏ", nếu Thầy Thành..."Các anh đi như đàn vịt", Thầy Ân..."vì vậy cho nên gì!", thì Thầy Di "Tôi m..u..ố..n, tôi m..ụ..ố..n các anh..."; Thầy Huyến... "Các CÙI làm khó dễ khách của tôi quá", v.v...  Thầy Huyến, sau đó, có viết giải thích tại sao Thầy dùng chữ "CÙI" để tự xưng cho chính Thầy cũng như dùng để gọi những học trò khóa 16 một cách thương yêu, thân thiết nhưng mang cung cách hãnh diện của chính Thầỵ. Cũng vì sự tế nhị của hoàn cảnh đất nước và của tất cả chiến hữu chúng ta, một thời có liên hệ đến chức vụ, trách nhiện của Thầy và đến danh tiếng của Trường Mẹ, tôi xin không được ghi lại đây để tránh một sự, nếu có, chia rẽ, hiểu lầm. 

Dù thế nào, danh từ "CÙI" đã là tên gọi chẳng những riêng cho từng cựu SVSQ khóa 16 mà còn tự động là nickname chung cho cựu SVSQ từ ngày ấy tại Trường . "CÙI" đã là danh từ "truyền thống"

NGUYỄN XUÂN HOÀNG, k16
New Jersey, USA
[Trích từ "Diễn Ðàn VBVN" - Tháng 2 - 2003] 


No comments:

Post a Comment